[ Miêu – Thử ] Đại Chí

[Miêu Thử| Đoản văn] Chí lớn

 (Đại chí)

 Tác giả: Aggie

 Trans: Qt

 Edit: Lang Băm Đểu

 Thể loại: cổ trang, giang hồ, ngược, BE

 Văn án:

 “Ngọc Đường nốc từng ngụm, từng ngụm, Triển Chiêu câu được câu chăng cùng hắn nói chuyện, y mơ hồ nghe thấy tiếng ai ca khúc “Hương thảo mĩ nhân” giữa đêm đen trong suốt, muôn tiếng dịu dàng. Ô thước sàn sạt bay về phía nam, hoa lau trắng tuyết khẽ khàng lay động. Triển Chiêu đột nhiên dấy lên cảm giác thoả mãn vô vàn, y bỗng cảm thấy cứ như thế cho tới ngày thiên hoang địa lão cũng không hề gì. Ngọc Đường say, dựa vào đầu gối y, thầm thì: “Ta nhìn thấy ngươi rơi lệ, đã nhỏ xuống nơi này,” hắn vươn tay chỉ trán mình, “Ta mặc kệ lệ này của ngươi chảy vì cái gì, ta cứ coi như nó chảy vì ta.” Hắn khịt mũi, trở mình, lẩm bẩm: “Về sau, bất luận thế nào, không cần rơi lệ vì ta nữa.”

 “Một giọt này, là đủ.”

Triển Chiêu ngoảnh nhìn phía Tây, chẳng còn thấy những vong linh đông nghịt ùn ùn kéo đến, chẳng còn thấy tà dương nhuốm đỏ trời chiều, chỉ nhìn thấy ánh lửa rừng rực sáng ngời, điên cuồng nhảy múa, đỏ rực, đỏ rực, chiếu rọi nền trời đen kịt. Tro bụi cùng tàn lửa rơi như mưa, Triển Chiêu ngẩng đầu, y thấy đó là cánh hoa lê cháy đỏ, là khúc ca đưa tiễn giữa trời đêm, là những ánh sao nhỏ rụng xuống, xoay tròn, xoay tròn. Rõ ràng y thấy bóng hình thiếu niên vẫn ở đó, trong ngọn lửa. Y cảm thấy trán mình chợt lạnh, một giọt nước mắt đọng trên vầng trán. Triển Chiêu nghĩ, đó là nước mắt của chiến thần, hắn rồi sẽ rời đi. Nước mắt hắn lạnh như băng, lại làm tay y bỏng rát, y ngửi thấy mùi da thịt cháy.

 Y nghĩ, Ngọc Đường, ngươi quả nhiên oanh oanh liệt liệt.

 … Một thoáng Kinh Hồng, duyên định tam sinh.”

 

 Note: Bản edit chỉ đảm bảo khoảng 80 % nguyên tác :3

Cốt truyện rất đơn giản, hầu như không có gì, nhưng văn phong rất đẹp, rất hoa mĩ, rất hút, rất thỏa cho con fangirl có máu mê chữ như mình J

Nếu không ngại BE, nếu muốn suy tư một tí, thì mời bạn nhảy hố cùng mình =.,=

 

***

 

       Nhân sinh là một cơn mê dài, cuồn cuộn gió mây. Quá vãng như khói thoảng. Nhi nữ giang hồ gối đầu lên kiếm mà ngủ, chiêm bao ngửa mặt hát ca, hăng hái hăm hở, thu thuỷ vương mắt phượng, sương bạc tẩm tóc mây. Bọn họ đều đã chết trong giấc mộng, khi y một mình tỉnh lại, đã già đi tự bao giờ. Cả đầu tóc bạc, tà dương phơi dày ngoài song cửa.

 

Lần đầu bọn họ gặp nhau là một ngày xuân se lạnh tháng hai, ngày ấy mặt sông vắng lặng, nước còn chưa kịp ấm lại, hai ba chú vịt trời đã tung tẩy dạo chơi, ngày ấy cỏ cây tiêu điều, lá còn chưa kịp phô màu xanh biếc, hoa xuân đã nở vàng tươi, ngày ấy bầu trời phương Nam mênh mông yên ả, vạt gió mang theo chút sợi tơ ẩm ướt ngát thơm.

 

Khi đó mới vào đầu xuân, Triển Chiêu áo bông còn chưa cởi ra, Triển Chiêu rượu nồng còn chưa hâm lại, y ngồi bên song cửa, phía ngoài là cầu nhỏ Giang Nam run rẩy, là tường trắng ngói xanh run rẩy. Trước mặt y bày bốn đĩa thức ăn, đơn giản mà tinh xảo: một đĩa trứng muối xắt thật mỏng, một đĩa đậu trạng nguyên rang thật thơm, một đĩa canh ngó sen gạo nếp ninh thật nhừ, một đĩa rau trộn (*) thật xanh, nhưng Triển Chiêu không đụng tới. Y hạ đũa, thản nhiên nhìn hắc y nhân đối diện: “Các ngươi, chính là vì ta mà đến?” Bọn họ không đáp, Triển Chiêu cũng không hỏi lại. Y đã sớm hiểu rõ, nhân sinh là một giấc mộng dài liên tục đổi thay, giang hồ cũng chỉ là một hồi mộng mị, hồng nhan đầu bạc, ân oán tình thù, khi nào thì kết thúc, khi nào thì ngưng nghỉ? Giữa đao quang kiếm ảnh (**), Triển Chiêu không khỏi nghĩ đến cây lê ngày nhỏ trước hiên nhà, hoa lê rụng ngợp trời hệt lúc y múa kiếm. Y nhớ, lúc cha mẹ dẫn y tới xem hoa, cha nói với y rằng: “Hoa lê nở sớm, đẹp thì có đẹp, lại chẳng kết nổi thành quả.”  Triển Chiêu không rõ vì sao cha lại nói vậy. Đôi khi y vẫn nghĩ: là thiếu niên hăng hái, tài năng lộ rõ không tốt sao? Triển Chiêu cũng từng kinh qua niên thiếu, hình như một đêm nào, y một mình một kiếm đấu với mười hai cao thủ. Y còn nhớ, y múa kiếm tựa như đang muốn bay lên, y còn nhớ, ánh trăng như nước chảy dọc lưỡi kiếm, y thậm chí còn nhớ, đêm đó, hoa ngô đồng rộ nở, máu nóng cũng sục sôi. “Lúc ấy đang là thiếu niên,” Triển Chiêu nghĩ, kiếm của y vẫn không ngừng lại, trước mắt chỉ là hạng trả thù tầm thường mà thôi, “So với đêm đó, so với đêm đó…” Y khẽ cười, hiện giờ, kiếm của y bớt đi sự hoa mĩ, bớt đi sự sắc sảo, trầm ổn mà ôn hoà, nhưng lại vô cùng lợi hại, tới độ không thể ngăn cản. Vì thế khắp chung quanh là tiếng rên rỉ, hừ hừ đau đớn,  không dứt bên tai. Y dừng kiếm, bình thản nói: “Còn muốn tới nữa không?” Những người đó nhìn nhau, như không cam lòng chịu thua, lại không dám tiếp tục. Triển Chiêu cũng không ngoái nhìn bọn họ một lần, bước thẳng xuống thang lầu, “Rượu của ngài tuyệt lắm, lần sau nếu có cơ hội, ta sẽ lại tới Lâm Giang Các này thưởng rượu.” Y nói với lão chưởng quầy đang sợ ngây người, bỏ lại một đĩnh bạc.

 

(*) Rau trộn: Mình dịch thoát, thực ra nó là món đậu phụ khô trộn một loại hoa hay rau gì đó mình không rõ. Qt dịch là hoa Mã Lan, nhưng hoa đó hình như đâu có ăn được =.,=

 (**) Đao quang kiếm ảnh: Cảnh tàn sát khốc liệt

 

Ra khỏi tửu quán, gió xuân lướt qua gò má, bầu trời Giang Nam vẫn tối rợp, mông mênh. Triển Chiêu cảm thấy hơi lành lạnh. Y bước dọc con đê dài, tiêu sái không mục đích, gió sông thổi loạn tóc y, nhìn sương chiều nặng buông trên sông lớn, ánh nước mông lung, nơi xa, một con thuyền như ẩn như hiện giữa khói sóng mênh mang, lên lên xuống xuống, y chợt nghĩ băng trên sông sẽ rửa sạch kiếm của y, để nó sáng ngời tựa ánh trăng, chiếu toả như hoa lê năm nào: giương lên, hạ xuống, kiếm khí đầy trời. Y nhớ lại tuổi trẻ ngông cuồng, tưởng rằng chỉ bằng khí thế của mình, là có thể cứu vớt thiên hạ đang cơn nước lửa, khi đó, y đã kiêu ngạo cỡ nào, anh hùng đang tuổi thiếu niên, Nam hiệp tao nhã ôn hoà, cầm kiếm phân rõ ân cừu, y tin vào giấc mộng của y, y tin y có thể đơn độc chống đỡ mọi nguy nan. Y miệng nói ngang tàng, đăng cao mà hát, cười nhạo tiền nhân, giục ngựa thét dài, bước trên cát vàng dài đằng đẵng.

 

Niên thiếu, y cũng từng chưa thấu việc đời.

 

Thế nhưng, sau khi trưởng thành, y chua cay hiểu được, nước sông cuồn cuộn chảy về Đông, một đi không trở lại, xưa nay anh hùng lớp lớp, ai có thể ngăn được dòng chảy ấy? Y cũng thế thôi, một mình y đâu thể nào cứu hết mọi sinh linh đang tha phương cầu thực giữa thiên hạ rộng lớn này?

 

Nước sông cuồn cuộn chảy về Đông, một đi không trở lại, y giống như phù du trong trời đất, y phải đi đâu, về đâu?

 

Lồng ngực đột nhiên ấm ức phiền muộn, y bất chợt hát lên: “Trước rượu ta hát, Người sống bao lâu, Ví như sương sớm, Xưa nhiều khổ đau.”

 

Nay còn tráng chí, Khó tan ưu sầu, Ngoài ba chung rượu, Lấy gì giải đâu!” (**). Một thanh âm trong trẻo nối tiếp. Tiếng ca đem Triển Chiêu giật mình tỉnh lại từ nỗi bùi ngùi, y cúi đầu quay nhìn nơi phát ra tiếng động, thảng khắc, y thấy, mặt sông mờ mịt trong một đêm đã bừng nở ngàn đoá vạn đoá hoa lê, sáng loà rực rỡ, mê hoặc ánh mắt y. Y thấy bạch y thiếu niên ngồi cạnh bờ nước, đôi mắt khép hờ, khoé môi hơi cong, hơi cong. Nước sông xô vào bờ đá, sa y mỏng mảnh khe khẽ rung lên trong gió xuân chớm lạnh, phảng phất một bông sen trắng. Ngọc Đường sợi tóc như khói, rơi qua gương mặt thiếu niên xinh đẹp năm nào. Ngọc Đường ngón tay thon dài, chất rượu biếc xanh như trúc run rẩy trong vành chén hắn đang gõ nhịp, phát ra tiếng kêu vui tai. Ngọc Đường nheo mắt, cười với y, lắc lắc chén rượu trên tay, lại hát: “Ngoài ba chung rượu, Lấy gì giải đâu!”

 

(*) (**) Những câu thơ trích trong “Đoản ca hành” kỳ 2 – Tào Tháo. Bản dịch của Nguyễn Sĩ Đại trên Thi viện.

Phiên âm: “Đối tửu đương ca, Nhân sinh kỷ hà, Thí như triêu lộ, Khứ nhật khổ đa, Khái đương dĩ khảng, Ưu tư nan vong. Hà dĩ giải ưu. Duy hữu Đỗ Khang.”

Phiên âm các bài thơ trong bản edit, mình đều theo bản trên Thi viện chứ không theo phiên âm Hán Việt trong Qt.

 Các bạn có thể xem toàn bài thơ ở đây.

 

Ngày nào đó bọn họ tương ngộ, vẻ mặt Ngọc Đường tràn đầy ngạo nghễ không che dấu, hắn nhìn y, mỉm cười, tựa như gió thổi, khiến người nửa mê nửa tỉnh, tựa như nước xuân, làm chảy tan băng giá, mai vàng rơi xuống hoa, hoa xuân nở vàng, tựa như muôn vàn cánh bướm đủ màu đậu lại khoé môi, thoáng chốc đã giục tường trắng ngói xanh ở Tần Hoài ấm lại, giục khói sóng thuyền hoa, thoáng chốc đã bày ra trước mắt muôn hồng nghìn tía, hoa lau trắng lay động, làn khói mờ rung rinh, thoáng chốc đã gọi mùa xuân đạp hoa mà đến, gọi cây cối tốt tươi, gọi yến oanh bay lượn. Lần đầu gặp mặt, y không biết hắn gọi Bạch Ngọc Đường, hắn cũng không biết y gọi Triển Chiêu.

 

“Ngoài ba chung rượu, Lấy gì giải đâu!” Bọn họ ngồi cạnh mé nước, cơ hồ uống sạch hảo tửu Ngọc Đường mang đến, bọn họ say khướt bên sông, trăng sáng nhô cao, bọn họ đánh nhịp mà múa. Y nói y phiền muộn, vì thế Ngọc Đường cười nhạo y: “Hẳn là lòng ngươi không rộng mở, không bỏ được những chuyện vặt vãnh.” Y liền biện bạch, nói y vẫn luôn nhớ đến nhiệm vụ của mình: vì thiên hạ. Ngọc Đường cười lớn, vỗ vỗ vai y, nói: “Kì thật, lòng ngươi chính là thiên hạ.” Y nói, thiên hạ ta muốn không phải thế, vì vậy Ngọc Đường hỏi lại y. “Vậy cái ngươi muốn là gì?” Y nghĩ không ra, sau đó bọn họ cùng cười rộ, lại uống hết nhẵn một vò rượu lâu năm. Y vẫn chưa say, nhìn ánh sao đầy trời, y nói liên miên, y nói y hoài nhớ đêm ấy một mình đấu với mười hai cao thủ, y nói đêm đó ánh trăng cũng tĩnh lặng trải ra như bạc. Ngọc Đường không nói, chỉ lẳng lặng nhìn y. Y nói cây lê trước hiên nhà, nói lúc hoa lê bay xuống hệt kiếm khí ngợp trời, y nói xong liền múa lộng thanh kiếm. Kiếm của y dưới ánh trăng hoá thành một con rồng đang uốn lượn, mỗi phiến vảy đều ánh bạc, như sóng lấp lánh mặt sông, mỗi phiến vảy đều mang màu sắc khác nhau, lộng lẫy như hoa lê rơi rụng, con rồng ấy giương nanh múa vuốt, như bay thẳng lên chín tầng trời, như lặn xuống đáy hồ sâu, thân rồng mạnh mẽ trở về, nảy lên một trận sấm sét loá mắt, hoảng hoảng hốt hốt, run run rẩy rẩy, ào ào cuồn cuộn, hốt hốt hoảng hoảng, hào hào sảng sảng, mênh mông rộng lớn, phóng phóng khoáng khoáng, ngang ngang dọc dọc…(*) Ngọc Đường dần dần không nhìn rõ thân thể Triển Chiêu, không nhìn rõ gương mặt y, chỉ nhìn thấy con rồng điên cuồng ấy, ánh sáng chói mắt như muốn thiêu đốt ngân hà. Sau đó, sau đó xảy ra chuyện gì nhỉ? Ngọc Đường nhớ rõ hắn cũng đứng lên, cùng y múa kiếm, miệng đứt quãng ngâm khúc “Đoản ca hành” của Tào Mạnh Đức, người nọ ngừng lại, ngơ ngác nhìn hắn lộng kiếm, bừa bãi đánh nhịp, cùng hắn hát lên: “Hươu kêu u u… Ta thêm khách quý, Vang lừng bài ca, Người như trăng sáng… Lo cầu hiền sĩ, Không lúc nào yên… Núi không cứ lớn, Sông không cứ sâu, Chu công đãi sĩ, Lòng dân theo chầu… Ngoài ba chung rượu, Lấy gì giải đâu…” (**) Tới khi mệt đến không động đậy nổi, bọn họ liền ngủ ngay bên mép nước, trong cơn mơ, hơi nước vương hoen mi mắt.

 (*) Cả đoạn hoảng hốt này là mình chém TT TT

(**) Vẫn là những câu trích trong “Đoản ca hành” kỳ 2 – Tào Tháo

Phiên âm: “Ao ao lộc minh… Ngã hữu gia tân, Cổ sắt xuy sanh Hạo Hạo như nguyệt… Ưu tòng trung lai, Bất khả đoạn tuyệt… Sơn bất yếm cao, Hải bất yếm thâm, Chu công thổ bộ, Thiên hạ quy tâm… Hà dĩ giải ưu, Duy hữu Đỗ Khang… Hà dĩ giải ưu, Duy hữu Đỗ Khang…”

 

Khi ấy, Ngọc Đường không biết, đây là buổi tối phóng túng cuối cùng của Triển Chiêu, khi ấy, Ngọc Đường không biết, lúc bình minh, Triển Chiêu đã đưa ra một quyết định, một quyết định có lẽ vĩnh viễn hắn sẽ không lí giải được. Trời sáng, bọn họ bình yên cáo biệt, như thể sự buông thả đêm qua chưa từng diễn ra. Triển Chiêu mỉm cười, nói: “Rượu của ngươi ngon lắm, cả đời này ta sẽ nhớ kĩ.” Bạch Ngọc Đường cười lớn, đáp lời: “Cũng tốt, cũng tốt, lần sau nếu chúng ta có duyên gặp lại, ngươi phải mời ta say một trận thâu đêm!” Tiếp đó, bọn họ từ biệt, thậm chí không hỏi tên nhau, bởi lúc đó, họ nghĩ: có lẽ, về sau vĩnh viễn sẽ không gặp lại người đó. Bọn họ bình yên cáo biệt, một kẻ hướng Đông, một người hướng Tây.

 

Bọn họ bình yên cáo biệt, một kẻ hướng Đông, một người hướng Tây.

 

***

 

Sau đó, sau đó, một buổi chạng vạng cuối xuân, bọn họ gặp lại. Y là miêu, hắn là thử. Gió vi vút thổi qua, cuồn cuộn nổi lên một trận bụi hồng.

 

Tương tri. Hai vầng nhật nguyệt, đều sinh ra từ đó.

 

Thật lâu về sau, Triển Chiêu vẫn còn nhớ rõ, ngày thứ hai mươi sáu y làm Ngự tiền tứ phẩm đới đao hộ vệ, hoàng hôn rực như lửa cháy.

 

Bầu trời phía Tây, dải mây rộng lớn, cùng nước sông, cùng ngã tư đường, cùng tửu quán, cũng rực lên như lửa cháy. Ánh chiều nồng đặc thiêu đốt tâm tư y, lấp đi hết thảy những màu sắc khác, ở mọi chốn mắt có thể nhìn tới, giữa tầm nhìn vô biên vô hạn, sắc đỏ trắng trợn lan tràn. Y thấy mép ngói hắt chói ánh lửa, y thấy ngọn gió thổi qua ngã tư đường mang theo đuôi lửa, y thấy bạch y của Ngọc Đường bị nắng chiều nhuốm đẫm, chảy tan một thứ chất lỏng đậm đặc tươi như màu máu. Lúc ấy, Ngọc Đường đứng trên cổng lớn Khai Phong Phủ, vẻ mặt hờ hững nhìn y, bọn họ im lặng hồi lâu, ngay cả nỗi im lặng cũng như đang bốc cháy. Cuối cùng, Ngọc Đường nói: “Ngươi, là Ngự miêu Triển Chiêu?” Triển Chiêu nói không thành tiếng, y nhìn Ngọc Đường, cảm thấy cổ họng đắng chát, ánh chiều gần như đã nuốt sống tầm nhìn của y, Ngọc Đường đứng trên cổng lớn Khai Phong Phủ, xa xôi đến mức không thể chạm tới, bạch y phiêu đãng dưới nắng chiều, dần dần trở nên đỏ rực, dần dần bị màu đỏ xâm chiếm, hoá thành một vệt trắng mong manh. Triển Chiêu thấy nét ưu thương trên khuôn mặt Ngọc Đường, thâm trầm như muốn đem y chìm vào đó, nhưng là y ngay cả một tiếng thở dài cũng không dám thoát ra; Triển Chiêu đăm đắm nhìn Ngọc Đường bị hoàng hôn cháy đỏ kia hoà lẫn, tới khi chẳng còn gì nữa, nhưng là y ngay cả một tiếng thở dài cũng không dám thoát ra.

 

Ngọc Đường nói: “Ta là Cẩm Mao Thử, Bạch Ngọc Đường.”

 

Đây là lần thứ hai bọn họ gặp nhau, Triển Chiêu đã nghĩ y rốt cuộc không đáp lại được ý tốt của Ngọc Đường. Bọn họ đã từng đối rượu xướng ca, gõ nhịp mà múa, bọn họ đã từng đạp ca (*) mà đi, ghé vào mé nước mà ngủ. Y đã từng uống sạch hảo tửu của Ngọc Đường. Nhưng bây giờ, hắn đứng trên tường cao, y đứng phía dưới, hắn là đào phạm đã xúc phạm long uy, y là quan sai truy bắt. Bi thương của Ngọc Đường làm y chìm đắm, phẫn nộ của Ngọc Đường làm y khổ sở, Ngọc Đường từng vỗ vai y cười lớn, đã chết rồi, y nghĩ Ngọc Đường có nghĩ vậy hay không: Triển Chiêu từng lải nhải xả hết buồn rầu kia, Triển Chiêu từng điên cuồng múa kiếm như rồng cuộn kia, đã chết rồi.

(*) Đạp ca: Một loại hình nghệ thuật gồm cả múa và hát (Theo Từ điển Lạc Việt)

Hoàng Thượng nói, trong ba tháng phải truy hồi tam bảo Ngọc Đường đánh cắp. Triển Chiêu lĩnh chỉ. Y nghĩ, y nên đối mặt với Ngọc Đường thế nào? Y tưởng y đã hiểu hết Ngọc Đường, Triển Chiêu biết Ngọc Đường dầu gì cũng đang tuổi thiếu niên, triều đình hủ bại, gian thần hoành hành, giữa lúc người thanh bạch ra đi, kẻ càn rỡ đắc chí, Ngọc Đường niên thiếu, Ngọc Đường đường hoàng, hắn miệt thị triều đình, hắn căm hận tay sai, hắn sẽ không tin y, hắn cũng sẽ không sợ hãi. Chuyện này không thể trách Ngọc Đường, nếu năm đó đổi lại là y, sợ rằng cũng sẽ không tin nổi? Nên oán giận ai đây, nên oán giận ai đây? Triển Chiêu khép mắt, nghĩ, chẳng nên oán giận ai cả, bởi ai cũng muốn sống tốt, cho mình. Chỉ cần trong giấc mộng lớn liên tục biến đổi này, còn có người dở tỉnh, vậy là đủ rồi.

 

Nhưng khi tỉnh rượu, tựa hồ bị nước xối lên đầu.

 

“Thật ra ta hiểu.” Ngọc Đường nói, “Ta hiểu tại sao ngươi lại vào triều đình.” Ngọc Đường đứng trên miệng hố, ánh sáng phản rọi lên mặt hắn, không nhìn rõ biểu tình, nhưng Triển Chiêu vẫn nghe rung lên từng vang âm khe khẽ, y biết đó là rèm mi Ngọc Đường hơi chớp, cánh mũi phập phồng, vành môi mấp máy. Hệt một tối đầu xuân y nghe mưa phùn bay bay, mộc lan hé nụ, tiếng chân ngựa dồn bước trong đêm mưa, đột ngột nhưng hết sức rõ ràng.

 

Tâm y run lên, y nghĩ: Thế nhưng hắn hiểu, thế nhưng, hắn hiểu!

 

Y ngẩng đầu, Ngọc Đường bạch y phiêu phiêu, dưới ánh mặt trời, tựa quỳnh tương (*) vương vãi, hoa lê đầy trời. Ánh nắng nơi miệng hố lấp lánh sáng như tuyết, y không trông rõ gương mặt Ngọc Đường, chỉ cảm thấy hắn sẽ tan hoà vào miền sáng ấy. Nhưng kì thực, hắn còn ở đó, ở nơi có thể chạm vào, nhìn y, mỉm cười.

(*) Quỳnh tương: rượu ngon

 

“Ngươi cho rằng ta thật sự hiểu ư?” Nháy mắt đó, hết thảy ảo cảnh đều nát vỡ, trước mắt vẫn là thiếu niên hoa mĩ sắc bén chua ngoa Bạch Ngọc Đường. “Hạng tay sai như ngươi, ta hiểu gì chứ?” Tâm tư Triển Chiêu vừa bay lên một chút đã rớt về chỗ cũ, thậm chí y thấy mình còn rơi xuống sâu hơn. Vì thế, y nở nụ cười tự giễu.

 

Ngọc Đường hiển nhiên hiểu sai nụ cười của y, hắn giận dữ cau mày, nói: “Ngươi cười cái gì! Cười cơ quan của  ta không giam nổi mèo của hoàng đế sao?” Hắn hung dữ nói, nhưng Triển Chiêu thấy, kia rõ ràng chỉ là chuột nhỏ bị tóm đuôi. Triển Chiêu nhịn không được vừa muốn cười, vừa muốn thở dài. Dở khóc dở cười, Triển Chiêu đành nói: “Triển mỗ không có ý đó.” Ngọc Đường không nghe y nói, chỉ khoanh tay nhìn y, Triển Chiêu buộc lòng phải cùng hắn rơi vào thinh lặng. Thấy Triển Chiêu không nói, Ngọc Đường lại bắt đầu vui vẻ, hắn dương dương tự đắc đi quanh miệng hố một vòng, bất chợt nói: “Nếu ngươi phá giải được cơ quan của ta, ta sẽ đem Tam bảo trả cho ngươi. Nếu ngươi nói được mà không làm được…” Dù không nhìn thấy vẻ mặt hắn, nhưng Triển Chiêu có thể lập tức tưởng tượng được nét cười gian giảo của Ngọc Đường. Triển Chiêu thở dài, càng ngoan độc, càng sắc bén, Ngọc Đường càng giống một đứa trẻ, nếu hắn hiểu được việc này, đó cũng là chuyện của năm tháng về sau. Tranh mạnh yếu, sính anh hùng, ai thua ai, ai thắng ai, làm việc bất kể hậu quả, không suy xét lợi hại: chính vì không hiểu, cho nên không sợ hãi.

 

Hoa lê nở sớm, đẹp thì có đẹp, lại không kết nổi thành quả. —– Y lại nghĩ tới cây lê ngày đó.

 

***

 

 

Sau đó, sự tình tất nhiên diễn ra theo lẽ thông thường, chuột đấu không lại mèo, thiếu hiệp giương nanh múa vuốt Bạch Ngọc Đường thua, vậy nên Ngọc Đường ngoan ngoãn theo Triển Chiêu trở về. Triển Chiêu đôi khi vẫn nghĩ, Ngọc Đường hiểu, hay thật sự không hiểu? Ngọc Đường không giải thích gì cả, ngoại trừ gây sự với y, ngoại trừ làm trái lời y, ngoại trừ tranh mạnh yếu cùng y. Triển Chiêu nhớ tới đêm bọn họ say tuý luý, ăn ý đó từ đâu mà tới? Y nhìn kẻ mặt mày hớn hở đang lén lút uống rượu trên nóc nhà, cảm thấy thực đau đầu, vậy mà hắn vẫn cùng y vào triều, cùng y chịu gò bó, cùng y bôn ba.

 

—– mèo nếu không hiểu chuột, làm sao bắt được chuột, mèo nếu hiểu rõ chuột, sao chuột vẫn còn ngông nghênh?

 

“Hai vầng nhật nguyệt, Từ đó sinh ra, Rực rỡ Ngân Hà, Từ đó vút cao”(*) Ngọc Đường dùng hai ngón tay nắm lấy chén rượu, xoay tới xoay lui, nhìn đi nhìn lại, ngâm đi ngâm lại. Nét mặt hắn chuyên chú mà nghiêm túc, tưởng trong lòng chén phản rọi ánh sao đầy trời, ngày đi đêm tới.

 

 (*) Đoạn trích trong bài “Bộ xuất Hạ Môn hành” kỳ 2 – “Quan thương hải” (Bài hát đi ra cửa Hạ Môn kỳ 2 – Ngắm biển khơi) – Tào Tháo. Bản dịch của Điệp Luyến Hoa.

Phiên âm: “Nhật nguyệt chi hành, Nhược xuất kỳ trung. Tinh hán xán lạn, Nhược xuất kỳ lý.”

Các bạn có thể xem toàn bài thơ ở đây.

 

Triển Chiêu xách theo một ngọn đèn, nhẹ nhàng nhảy lên nóc nhà, ngồi xuống cạnh hắn, thấp giọng nói: “Phải chăng nên cảm thấy may mắn, vì có thể dùng lời ca hát lên chí hướng của ngươi?”

 

Bị ngắt ngang lời hát, Bạch Ngọc Đường bất mãn lườm Triển Chiêu một cái, giơ lên một vò rượu, nói: “Quấy rầy người đang cao hứng, đáng phạt!”

 

Triển Chiêu khẽ cười, đáp: “Nếu cả ta cũng say, chẳng phải chúng ta sẽ ngồi ngốc hết đêm trên nóc nhà sao?”

 

Ngọc Đường đỏ mặt, nói: “Ngươi say, có ta đá ngươi xuống dưới!”

 

Vậy là Triển Chiêu không hề cự tuyệt, tiếp nhập chén rượu của Ngọc Đường. Ngọc Đường rót tràn cho y. Triển Chiêu ngẩng nhìn, đoá đoá mây đen chồng chất, bầu không đặc quện như muốn rơi xuống, không có lấy một mảnh trăng khuyết, một ánh sao trời. Y uống cạn rượu trong chén, Ngọc Đường rót cho y chén thứ hai, y nhìn Ngọc Đường, nói: “Đêm không trăng, không sao, cớ gì ngươi lại có nhã hứng cùng mây thưởng rượu? Nếu không phải ta, ngay cả chiếc bóng của mình, ngươi cũng không nhìn thấy.”

 

Ngọc Đường nâng vò rượu, uống một hơi, sau đó ngửa đầu, chớp mắt nhìn Triển Chiêu, đáp: “Ta đang đợi một người bạn tốt, lát nữa y sẽ tới.” Ánh lửa mờ mờ ảo ảo, hắt lên gương mặt Ngọc Đường, đột ngột hiện ra những bóng mờ rõ nét, đôi mắt Ngọc Đường mở to tựa hai vì sao sáng, ướt nước, đốm lửa loé nơi đáy mắt, chấp chới như cánh bướm.

 

Triển Chiêu mỉm cười nói: “Ngươi đã có bạn cũ, Triển mỗ sẽ không phụng bồi.” Y uống cạn chỗ rượu còn lại, đứng dậy muốn đi, Ngọc Đường vội vàng kéo y lại, nói: “Ngươi ở đây, mới càng tận hứng.” Triển Chiêu ngoảnh đầu, cười nói: “Thật vậy sao?” Ngọc Đường kéo tay y, để y ngồi xuống lần nữa, đem chén rượu nhét vào tay y, nói: “Đương nhiên là thật! Chẳng lẽ ta hay lừa ngươi lắm hả?” Triển Chiêu cười khổ, nghĩ: “Còn không phải vậy ư?”

 

Ngọc Đường lại rót cho y một chén, nói: “Mau tới, mau tới.”

 

Thế rồi bọn họ mặc sức chuốc chén. Y uống hết một chén, hắn nhanh chóng rót đầy, còn hắn nâng vò rượu dốc liền một hơi. Lần này bọn họ say chưa thoả, nhưng rượu đã cạn rồi. Ngọc Đường cao giọng ngâm:

 

“Lên mỏm Kệ Thạch, Ngắm nhìn biển khơi.

 

 Nước chảy xuôi xuôi, Trơ trơ đảo núi.

 

Um tùm cây cối, Hoa cỏ muôn màu.”

 

Triển Chiêu cùng hắn ngâm lên:

 

“Se sắt khí thu, Sóng xô ào ạt.

 

 Hai vầng nhật nguyệt, Từ đó sinh ra.

 

 Rực rỡ Ngân Hà, Từ đó vút cao.” (*)

 

(*)Đoạn trích trong bài “Bộ xuất Hạ Môn hành” kỳ 2 – “Quan thương hải” – Tào Tháo

Phiên âm: “Đông lâm kệ thạch, Dĩ quan thương hải. Thủy hà đạm đạm, Sơn đảo lạt trì. Thụ mộc tùng sinh, Bách thảo phong mậu.”

“Thu phong tiêu sắt, Hồng ba dũng khởi. Nhật nguyệt chi hành, Nhược xuất kỳ trung. Tinh hán xán lạn, Nhược xuất kỳ lý.”

 

Mây đen sầm sập sa xuống, không khí tựa hồ vắt một chút sẽ ứ nước. Tiếng ca của hai người uốn khúc xuyên qua bầu không nặng trĩu, dường như bén rễ, dường như đâm chồi, dường như tách nụ. Màn đêm nặng càng thêm nặng, hệt đỉnh vàng tám vạn cân, mà tiếng ca trong trẻo của bọn họ lại vút lên tới trời, như chớp loé, như tiếng sét rạch vào không trung.

 

Ngọc Đường kéo kéo vạt áo Triển Chiêu, vui vẻ nói: “Y đến đấy!”

 

Hắn chưa dứt lời, một đạo bạch quang rạch xé nền trời, xé tung đôi dải mây cuộn sóng, vụt đến như tên bắn. Bọn họ chỉ cảm thấy một vệt ánh sáng chói loà, bạch quang kia cơ hồ vừa dán sát bên người, vừa xa ngoài trăm dặm. Hưng phấn lạ lùng trào lên trong cơ thể, Triển Chiêu cảm thấy Ngọc Đường chợt nhiên nắm chặt tay y, sau đó hai bàn tay cùng nhau run rẩy từng hồi.

 

Bạch quang qua đi, để lại bóng tối tĩnh lặng, đó là một thứ an bình quỷ dị, tựa một đoá hoa cực lớn run rẩy từng chút, từng chút: nó bao vây, siết chặt, khiến người ta không thể hít thở, thảng khắc, im lặng và bóng tối hồ như đưa bọn họ sa vào cái chết. Triển Chiêu nghe thấy huyệt thái dương của y cùng mạch đập trên cổ tay Ngọc Đường đồng loạt nảy lên, giần giật, theo mỗi nhịp đập, bóng tối biến thành một mảnh, hai mảnh đoá hoa… Bất ngờ, tất cả bóng tối cùng nổ tung! Đó là tiếng rền vang chấn động toàn vũ trụ, đoá hoa đen đặc vỡ toang thành ngàn mảnh. Triển Chiêu cảm giác đầu óc y cũng biến thành một nụ hoa khép chặt, giữa tiếng sấm rền đột ngột phá vỡ thinh không. Thảng khắc, y thấy nước sông nghịch dòng, nước triều dâng mạnh, núi nổi trong mây, ngày đêm điên đảo. Y đã hoá bụi bay đi, đã tan tành theo sấm động, chỉ còn bàn tay vẫn nắm lấy tay Ngọc Đường là thực mà thôi.

 

Lại một đạo bạch quang, lại một đạo bạch quanh, đùng đoàng, ầm vang, phía trước, phía sau, bên trái, bên phải, tám mặt cùng thét dài, tám mặt cùng thét dài —- giông tố đến rồi, bão táp đến rồi!

 

Cây trong sân bị gió quật xiêu vẹo, khi giọt mưa to như hạt đậu nện xuống mái ngói, Ngọc Đường dùng sức siết chặt tay y, nhìn y cười nói: “Bạn cũ của ta cuối cùng cũng đến rồi!”

 

Triển Chiêu xách ngọn đèn đã sớm bị mưa xối đẫm, bốn phía tối đen một mảnh, y chỉ có thể nghe thấy thanh âm chất lỏng chảy xuống cùng tiếng sấm ì ùng, gió mạnh điên cuồng hất tung vạt áo y, tựa hồ muốn kéo nó rời bỏ thân thể y, cuốn vào bóng tối khôn cùng. Lý trí của y dần dần bị nuốt sạch, chỉ còn lại cảm giác hết thảy từng phân da thịt, những hạt mưa như tên nhụt phóng tới từ bốn phương tám hướng, cánh mũi y thoảng vị máu tanh của chiến trường. Tất cả âm vang huyên náo ồn ã chồng chéo thoáng mờ đi, tĩnh lặng lại lan tràn, mênh mang tới tận trời cao. Trong hỗn độn, Triển Chiêu lại cảm nhận rõ rệt bàn tay Ngọc Đường, từng ngón tay mảnh dẻ, lòng bàn tay mềm mại. Đây là một thời khắc kì diệu, bóng tối, an toàn, những mâu thuẫn đan kết với nhau tràn ngập tâm tư y.

 

“Này, ngươi có mang kiếm không?” Giữa tiếng mưa rơi truyền đến thanh âm của Ngọc Đường, bàn tay kia xoay động một chút, rời khỏi lòng tay Triển Chiêu, trơn tuột như một chú cá nhỏ. Xúc cảm từ lòng tay tan biến trong thoáng chốc, Triển Chiêu không rõ vì sao lòng y trống rỗng. “Ngươi có mang kiếm không?” thanh âm Ngọc Đường nửa gần gụi nửa vời xa, thiếu vắng chút hơi ấm ấy, Triển Chiêu thậm chí không thể xác định, trong cơn mưa tầm tã, Ngọc Đường còn ở đó hay không, “Có”. Y chỉ có thể trả lời vấn đề không đầu không đuôi này. Nháy mắt tiếp theo, y chợt nhiên mỉm cười. Ánh chớp rạch qua, thiên địa vụt sáng như ban ngày, y thấy rõ kiếm của Ngọc Đường đã rời khỏi vỏ, tỏa rọi ánh sáng chói mắt, sau lưng hắn là chiếc bóng dài ngoằng, đen nghịt, giống hệt một con rắn, một chiếc đuôi rồng nhỏ. Cái Ngọc Đường nhìn thấy, là Triển Chiêu đang cười, tựa bảy vạn ánh chớp sáng loà.

 

Kiếm của Triển Chiêu cũng ra khỏi vỏ, lúc ấy, bóng tối đã trở lại cùng tiếng rền vang, sấm sét cuồn cuộn bổ nhào từ trăm dặm phía ngoài, chấn động tâm can, rung trời dậy đất. Mái ngói đang run rẩy, không gian đang run rẩy, mưa cũng đang run rẩy, nhưng kiếm của Triển Chiêu không run rẩy, y vững vàng như một pho tượng điêu khắc. Trong tiếng sấm ầm ào, y nghe thấy kiếm của Ngọc Đường xé mưa đâm tới. Y nâng kiếm, giữa bóng tối dày đặc, y không nhìn thấy bất cứ điều gì, gió mạnh cơ hồ nhiễu loạn tâm trí y, y chỉ có thể nghe, y được rất nhiều thanh âm, ví như thanh âm Ngọc Đường cắt nát không trung, thanh âm đôi mắt Ngọc Đường chớp động, thanh âm vành môi Ngọc Đường khép mở, thanh âm sợi tóc Ngọc Đường ù ù phiêu tán. Y khép mắt, phác hoạ trong lòng một Ngọc Đường, con ngươi đen tuyền, nước da trắng tuyết, múa kiếm như hoa lê bay ngợp trời. Nhưng sao y không nghe thấy điều gì, tiếng mưa rào rạt cắn nuốt suy nghĩ của y, tiếng mưa ùn ùn kéo tới, điên đảo thế giới, lẫn lộn chư thần. Ngọc Đường trong lòng y hẳn là bạch y bay bay, hẳn là linh lợi như khỉ vượn chốn rừng sâu, hẳn là can đảm như báo chồn nơi núi thẳm. Nhưng kiếm của Triển Chiêu đã ra khỏi vỏ.

 

Kiếm của y ra khỏi vỏ.

 

Đó là thiên thần giáng lâm. Giáng lâm ở sa trường thượng cổ, máu chảy như mưa rơi, thét gào dường sấm động. Chín vạn vạn quân chủ đang run rẩy, chín vạn vạn thế giới đang run rẩy. Không gò bó, không đắn đo, ánh mắt của Triển Chiêu nhuốm màu trống trải, chỉ vì một khắc tận hứng trong đêm mưa này.

Kiếm của y là gió, dù là cát vàng Quan ngoại che lấp ánh trăng, dù là sóng vẩn Hoàng Hà xô vào chóp đá, hay nước triều tràn khỏi đê ngăn, hay biển khơi mênh mang Nam Hải, kiếm của Triển Chiêu là gió, vừa cuồng loạn vừa ôn nhu, vừa nhẹ nhàng vừa đôn hậu, không thể cản ngăn, không thể khước từ; kiếm của hắn là hoa, dẫu là bạch đào chốn biển cả xa xanh, dẫu là ngọc anh ở Côn Lôn chót vót, hoặc bạch tuyết trắng trong thanh khiết, hoặc dao phố rực rỡ đắm say, kiếm của Ngọc Đường là hoa, vừa ôn nhu vừa cuồng loạn, vừa đôn hậu vừa nhẹ nhàng, không thể đón chào, không thể nắm bắt. Giữa cơn cuồng phong trong đêm đen, bọn họ so kiếm, đầu óc hoàn toàn trống rỗng, bọn họ không nhìn thấy, không nghe thấy, thậm chí không cảm giác, dưới chân họ là mái ngói lởm chởm, bỗng nhiên biến thành trời cao vạn trượng, chung quanh họ là Khai Phong Phủ yên lặng, là kinh thành phồn hoa, cũng chợt biến thành hư không hỗn độn, thiên địa hoá sa trường viễn cổ, chỉ còn hai nam nhân chém giết, máu chảy như mưa rơi, thét gào dường sấm động. Tranh đấu kéo dài đã ngàn năm, không có bắt đầu, không có kết thúc, tựa hồ vốn nên như thế, hai nam nhân so kiếm, gió mạnh cuốn hoa rơi, kéo dài vô hạn, mãi mãi không thay đổi.

 

Ngàn năm ngắn ngủi, tựa phù du trong trời đất, hạt muối trong biển cả. Kẻ ngạo cuồng mũ cao kiếm dài, đạp lên Côn Lôn mà đi. Bọn họ tận hứng, như vậy cũng đủ rồi.

 

Mưa ngớt dần.

 

Can đảm tới tột cùng, dần dần biến thành một loại tinh xảo cực độ, kiếm phong của Triển Chiêu vút qua sân vườn nhỏ, Ngọc Đường bạch y bay bay, tựa hoa lê ngợp trời.

 

Sau cùng, một tia sét rạch xuống, bọn họ nhìn thấu ánh mắt đối phương. Hai vầng nhật nguyệt, đều sinh ra từ đó.

 

Mà thôi.

 

Mà thôi.

***

 

Ánh trăng. Chàng như gió mạnh, thiếp tựa trăng.

Một thoáng Kinh Hồng, duyên định tam sinh. (*)

(*) Tam sinh: Xuất phát từ một điển tích trong ‘Đường thư’, tình duyên của một đôi trai gái phải trải qua kiếp này kiếp khác, có khi phải trải qua ba kiếp, vì thế gọi là Tam sinh.

 

Ngọc Đường đã không còn nhớ ngọc này bắt được từ nhi nữ nhà ai, nhưng hắn vẫn mang theo nó như một thói quen, lúc nhàn rỗi vuốt ve mặt ngọc mềm mại, trên mặt có khắc hai hàng chữ dày sít, dưới ánh mặt trời từa tựa dòng nước nhỏ chảy qua.

 

Một thoáng Kinh Hồng, duyên định tam sinh.

 

“Nếu là ta, một kiếp là đủ rồi, trên đời nhiều mĩ nữ như vậy, tại sao cứ mãi vương vấn một người không buông bỏ? Cho nên, Bạch Ngũ gia ta chỉ cần một kiếp, như vậy đủ rồi.” Ngọc Đường ngẩng đầu, bắt chéo chân, giơ mảnh ngọc lên ánh sáng, nhìn hàng chữ khắc trên đó, hào hứng nói. Triển Chiêu dở khóc dở cười, tiểu tử phong lưu tứ xứ kia đâu biết tâm tình người khác, sâu nặng đến bực nào, kinh hỉ đến bực nào, lại bất đắc dĩ đến bực nào. Y đành nói hùa theo: “Nói rất đúng, nói rất đúng.” Ngọc Đường liếc mắt nhìn y, nói: “Con  mèo nhà ngươi chắc chắn là hạng bạc bẽo, ngươi nên đời đời kiếp kiếp trói buộc mình với một người nào đó, để người ta dạy dỗ ngươi, khiến ngươi muốn trốn cũng không thoát.” Triển Chiêu ngẩn người, chẳng hiểu sao mình chỉ hùa theo thôi, lại đưa tới một con chuột chua ngoa đến vậy. Y dứt khoát ngậm miệng, không đáp lời. Ngọc Đường thấy y im lặng, bèn nói thêm: “Cũng không biết cô nương nhà ai xúi quẩy, bị trói buộc với mèo ngốc nhà ngươi.”

 

Ngọc Đường đích thị là tên chết tiệt thích làm trái ý người khác, Triển Chiêu càng thêm xác định. Không chỉ thích làm trái ý, còn thích mua việc vào mình. Đơn thuần là đứa nhỏ không chịu lớn. Giờ còn hăng hái hăm hở, không để ai vào mắt, chẳng mấy nữa sẽ chèo lái giang sơn, giương kiếm bình thiên hạ.

 

Triển Chiêu quyết định bỏ ngoài tai những lời châm chọc của con chuột kia. Y khép mắt, nghỉ ngơi một chốc, suy nghĩ bất tri bất giác xa dần. Cái gì gọi là “Một thoáng Kinh Hồng, duyên định tam sinh”? Mỗi khi thì thầm câu này, tâm trí y luôn vô tình hiện ra đủ mọi hình ảnh Ngọc Đường, uống rượu ven sông, nét cười ngược sáng, bạch y bay bay, còn có giữa màn mưa tầm tã, múa kiếm như hoa. Những ảo ảnh trôi giạt quay về, xinh đẹp đến không thể chạm tới. Dẫu cuối cùng khi trở về hiện thực, vẫn là con chuột trắng lớn xác ấy… Vật ấm áp trong lồng ngực đột nhiên nảy lên thình thịch, Triển Chiêu cả kinh, mở tròn hai mắt, trước mặt vẫn là thiếu niên anh hùng Bạch Ngọc Đường huyên náo. Triển Chiêu đành phải cảm thán, ở cùng một chỗ với con chuột này quá lâu, ngay cả tư tưởng cũng trở nên kỳ quái.

 

Mãi cho đến một ngày thu xa xôi sau đó, cuối cùng y mới bắt đầu hiểu được. Mệnh tương tư đời kiếp còn chưa đủ, vận hồng nhan dằng dặc vẫn ngắn thay. tất nhiên, lúc ấy, tương tư đã hoá thành một dòng sông xanh ngắt chảy về Đông.

 

Y gặp Đinh Nguyệt Hoa vào một ngày thu. Cô gái ngồi dưới gốc cây lê, bàn tay đang cầm một nhành hoa lê trắng. Không phải Triển Chiêu cố ý xông vào sân sau nhà người, càng không có ý nhìn khuê nữ nhà người, chính là Ngọc Đường đối nghịch với y, lao đi không còn tăm hơi bóng dáng, y cũng chỉ có thể mò mẫm đuổi theo, không ngờ đụng phải góc sân nhỏ của nhi nữ nhà người. Cô gái không sợ hãi, thậm chí không chớp mắt, vẫn an an tĩnh tĩnh ngồi đó, nhu hoà tựa một mảnh trăng khuya. Một trận gió thổi qua, từng tầng lá vàng xào xạc rung động, mặt trời sau ngọ vàng rực, thanh thản và bình lặng, hệt như góc sân nhỏ này đã chìm vào giấc ngủ thật sâu.

 

Một thoáng kia, Triển Chiêu dường như thấy được Ngọc Đường lúc về già, tóc bạc trắng xoá, ánh mắt mông lung, quanh hắn là hoa lê rơi rụng, Ngọc Đường bị giam hãm trong ánh nắng, dáng vẻ bình yên, khoé môi mang theo nét cười mờ nhạt. Con ngươi Triển Chiêu nhức buốt, như thể có cái gì sẽ lập tức trào ra, thậm chí, y cảm thấy trái tim vướng chút đau đớn mơ hồ, không kịch liệt, chỉ hời hợt lướt qua, nhưng vết đau lại cứ cấn vào lòng, ngay sau đó, nước mắt âm thầm chảy xuống, trượt qua gò má y. Giữa tầm nhìn nhoà nhạt mơ màng, Triển Chiêu thấy rõ Ngọc Đường hơi cong khoé miệng, càng ngày càng rõ. Y cảm giác mình choáng váng, vẻ cười của Ngọc Đường, giống như tiêu điểm duy nhất giữa khoảng không trống trải, cứ vậy làm y thương cảm, cứ như vậy, làm y nghi hoặc.

 

Lá vàng tới tấp rụng xuống, sân nhỏ lặng thinh.

 

Nét cười không rõ nghĩa kia, rộng ra tới màn trời chiếu đất. Vì thế tâm tư Triển Chiêu huyễn hoặc hoá ra rất nhiều rất nhiều hình ảnh, Bao đại nhân gương sáng treo cao, trong mắt là cương trực công chính, là chuyện thiên hạ hưng vong, Bàng Cát âm hiểm cười nhạt, phất áo mà đi; Giang Nam mưa bụi như tơ, cảnh xuân tươi đẹp, oanh bay yến lượn; gương mặt nghiêng của nữ nhân như bạch ngọc, tao nhã quay đầu, thẹn thùng đánh tiếng; Bạch Ngọc Đường bên bờ sông lạnh tựa băng, nét cười hệt cánh bướm rập rờn đậu lại bên khoé môi; Bạch Ngọc Đường dưới ánh dương quang vấn vương như khói; Bạch Ngọc Đường cười lớn rút kiếm khỏi vỏ, phóng ngựa hát ca, hát rằng ba nghìn thế giới say tối tăm mờ mịt; Bạch Ngọc Đường ghé vào tai y, nói: thực ra ta hiểu. Thực ra ta cũng hiểu. Khuôn mặt hắn nhoè nhoè, chỉ còn vành môi mấp máy, uốn thành độ cung không rõ nghĩa; Bạch Ngọc Đường an ổn ngồi kia, nét cười mở rộng tới màn trời chiếu đất, vì thế nụ cười cũng hoá thành khoảng trống mông mênh, Triển Chiêu thoáng ngửi thấy mùi hoa lê trắng.

 

“Ngài sao thế?” Cô gái hỏi.

 

“Ta vẫn ổn, để cô sợ hãi rồi.” Triển Chiêu lấy lại tinh thần. Y theo bản năng đưa tay lên mặt, chạm vào nước mắt đẫm ướt hai gò má. Cô gái đứng trước mắt y, mùi hoa lê mềm mại, vồng ngực nhô cao mềm mại, nàng mỉm cười nhìn y, cánh mũi xinh xắn phả ra hơi ấm thản nhiên, an lành tựa một mảnh trăng. “Ta chỉ… Tìm người.” Triển Chiêu nói.

 

Lệ y vương ướt. Bi thương nào không rõ. Tim y nhoi nhói, chẳng biết vì cớ gì. Nếu có một ngày như thế, quạ quên kêu chiều, thời gian quên chảy, chỉ có lá vàng cuối thu rơi rụng, ánh nắng ngập đầy sân nhỏ, phảng phất đầu xuân hoa lê tứ tán, bụi mờ rung rinh, mơ hồ giống như cảnh ca múa mừng thái bình thịnh trị đời Đường Huyền Tông, Ngọc Đường tóc trắng xóa ngồi dưới tàng cây, không làm trái ý y, không cười giảo hoạt, khuôn mặt già nua lấm chấm vết đồi mồi, y vẫn nhớ thuở thiếu niên ra roi giục ngựa, vẫn nhớ ngày bọn họ sóng vai mà chiến, kiếm hoa sáng rực. Bi thương này không gọi được thành tên. Tựa như trong thảng khắc từ bỏ, dù già nua hay còn con trẻ cũng đều vui vẻ. (*)

 (*) Nguyên văn: Hoàng phát thuỳ thiều, tịnh di nhiên tự lạc. Một câu trong “Đào hoa nguyên kí” – Đào Uyên Minh.

“Tôi tên Nguyệt Hoa, Đinh Nguyệt Hoa.” Cô gái bước tới, cúi chào, ánh mắt nàng bình thản mà ôn hoà, y phục màu ngân bạch dày dặn tự may, nhìn qua vừa ấm áp vừa mềm mại. Tiếng nàng thong thả, như bóng cây cỏ lúc trời chiều cứ kéo dài từng tấc, từng tấc, “Nơi này là Mạt Hoa thôn, Đinh gia phủ. Ngài là Triển Chiêu Triển đại nhân?”

 

Triển Chiêu hơi hơi kinh ngạc, ánh trăng như nước, mũi kiếm lên lên xuống xuống nhấp nháy ngân quang, hoa ngô đồng rộ nở, trường đao của mười hai cao thủ im lặng nằm trên mặt đất, y cười đến cuồng ngạo. Quan phục đỏ thẫm bọc thân, vỏ kiếm giấu đi mũi nhọn, y mỉm cười, ôn nhuận như ngọc. Mong sao ánh trăng như nước, rửa sạch lưới trời lồng lộng. Đúng rồi, đúng rồi, một thoáng Kinh Hồng, duyên định tam sinh. Đạo làm người, chính là tương tư đừng nên tương phụ (*), chỉ vì một khắc gặp gỡ bất ngờ này, đã mở ra tam sinh lộ dưới tàng cây lê.

(*) Tương tư: nhớ nhau; Tương phụ: dựa vào nhau, cậy nhờ nhau.

 

“Ta là Triển Chiêu.” Y trả lời, cô gái buông mi, ngượng ngùng mở miệng, cánh môi hơi hé, muốn nói lại thôi, tưởng chừng sự bình tĩnh an nhiên vừa rồi hết thảy chỉ là ảo ảnh, nàng ửng hồng hai gò má như bạch ngọc. Vì thế ánh nắng lại rực rỡ chói chang, đình viện lại náo nhiệt, lá cây lại ào ào rụng xuống.

 

Ngọc Đường đứng nhìn phía xa xa, gương mặt giấu trong nắng thu, dường như mặt không đổi sắc, Ngọc Đường đứng nhìn phía xa xa, hệt một mảnh giấy Tuyên Thành dần dần ngấm nước, xoay tròn rồi chìm xuống.

 

Ngọc ấm khói bay, từng chữ nhỏ xíu lung lay, bay vào không trung.

 

Một thoáng Kinh Hồng, duyên định tam sinh.

 

Nắm tay. Mây biếc đầy trời, cúc tàn ngập đất.

 

Cự Khuyết đổi Trạm Lô. Ánh trăng như nước, chiếu trên y phục màu lam của ta, sinh muôn hoa diệu kì.

 

Tân nương bị khoá trong tà áo cưới rực đỏ, nhìn không thấy đôi gò má nàng thơm thơm vương hương tuyết, vồng ngực tựa mây xuân tầng tầng lớp lớp, chân mày như khói vương vất ẩn tình, ánh mắt như nước xuân lóng lánh, lộ ra một vệt đỏ hồng kì lạ, tựa cánh mẫu đơn phơ phất giữa Lạc Hà, quốc sắc thiên hương, phong hoa tuyệt đại. Đàn sáo rộn ràng, đầy nhà linh đình ăn uống, áo cưới của Nguyệt Hoa tươi đỏ, sắc đỏ mơ màng như say. Triển Chiêu thấy mình choáng váng, tưởng chừng y đang cơn mộng du. Y cố gắng dịch chuyển tầm mắt, cuống họng y khô cháy, đầu óc y lâng lâng. Y vô thức tìm kiếm điều gì, sau đó y tìm thấy: hai bàn tay mềm mại đan vào nhau, khăn đỏ bị vò dúm dó, giữa sắc đỏ lan tràn, chỉ còn duy nhất sắc màu trinh bạch này quen thuộc, mỗi phiến móng tay đều được dũa gọt đẹp đẽ, hệt vỏ sò hồng nhạt, ngón tay tao nhã cong cong, đốt ngón mượt mà, ánh lên màu sáng của trân châu. Trước một vừng đỏ cháy nơi lồng ngực Nguyệt Hoa, tay nàng trắng như một khối mĩ ngọc, một đoá hoa tuyết trong lửa đỏ —– mỗi đầu ngón trắng tuyết lại chỉ về một hướng, chúng hồi hộp đan vào nhau, vặn vẹo một cách duyên dáng kì lạ, tựa gió vàng sương ngọc quấn quýt si mê không ngớt, chờ đợi Lạc thần và tiểu vương tử một hồi lạc bước xa hoa: trời đổ mưa hoa, y phủ phục dưới chân nàng, ôm lấy nàng, chân nàng tuyết trắng, hài nàng dỏ tươi, y phủ phục dưới chân nàng, khẩn cầu trận mây mưa xa xỉ kia. Còn nàng, trong thoáng chốc, nàng hoá thành sóng biển và mẫu đơn. Đó là một thần thoại Triển Chiêu đã từng được nghe qua ngày nhỏ: Nữ thần Lạc Thuỷ vẫn luôn mưu toan một lời ước hẹn kinh thiên động địa.

 

Nhưng Triển Chiêu nghĩ họ nói rất đúng: ánh trăng như nước, chiếu xuống kiếm của ta như gió mạnh, hoa lê bay bay.

 

Cự Khuyết không ở trong tay, Trạm Lô cũng không ở đó. Thánh chỉ hoàng sắc được cung kính giơ cao.

 

Y cảm thấy mình nóng rực. Khắp nơi sắc đỏ dập dềnh, đỏ hồng, đỏ thẫm, đỏ son, đỏ thắm. Chỉ có đôi bàn tay ấy, trắng tuyết như hoa lê.

 

Y siết lấy đôi bàn tay ấy.

Đám người cười rộ, “Triển đại nhân, ngài thật thiếu kiên nhẫn, chờ tới lúc động phòng, ngài sờ thế nào cũng được cả.” “Cũng không trách Triển đại nhân được, tân nương là đại mĩ nhân nổi tiếng kia mà.” “Triển đại nhân, đúng là song hỷ lâm môn, chúc mừng Triển đại nhân, cưới được tân nương như hoa như ngọc, chúc mừng Triển đại nhân có phúc!” “…” “…”

 

Triển Chiêu buông tay, gượng gạo cười, y tưởng đó là xúc động nhất thời, lúc đó thậm chí y đã quên đó là tay của Nguyệt Hoa. Y hơi hơi thất vọng, tựa hồ đó không phải thứ y muốn, loại cảm giác này lướt qua giây lát, mau tới nỗi khiến y giật mình, chừng tưởng đó chỉ là ảo giác.

Nguyệt Hoa nhẹ thở ra một hơi, làm khăn đỏ rung rinh bay lên, phảng phất cánh bướm đỏ rực chấp chới. Nàng rụt tay vào vạt áo, lúc Triển Chiêu nhìn lại, nàng vẫn đứng đó, an an tĩnh tĩnh, không nói một lời, tươi đỏ hệt một đoá mẫu đơn.

 

***

 

Nhiều năm về sau, Triển Chiêu vẫn nhớ rõ ngày hôm ấy, khi đó Nguyệt Hoa đã là mẹ của vài đứa nhỏ, nàng ngồi ở ghế đá trong sân, khâu cho nhi nữ một đôi hài mới, lúc nói về Bạch Ngọc Đường, gương mặt nàng an nhiên mà bình thản, đôi hài đỏ rực trên tay nàng nhoè nhoè toả sáng, sắc áo xanh ngọc hệt nước gợn Lạc Hà, Triển Chiêu đứng cạnh nàng, y thấy thoảng qua một nét hương thơm mát đưa tình. Thê tử y đang khâu cho nhi nữ một đôi hài mới, nàng an tĩnh tựa một ánh trăng ngần. Khi đó Ngọc Đường đã mất. Hoa lê nở rộ, đoá đoá vầng vầng.

 

Dưới tàng cây lê Ngọc Đường tóc trắng xoá, hoá thành chiếc bóng Triển Chiêu đơn độc; thiếu niên hoa mĩ Bạch Ngọc Đường, hoá thành một cái ngoái nhìn trước Trùng Tiêu Lâu.

 

Công Tôn tiên sinh nói: “Bạch Ngọc Đường chết oanh oanh liệt liệt.”

 

Nghe nói trăm ngàn mũi tên bắn xuống, như Ngân hà rơi khỏi chín tầng mây, Triển Chiêu không rõ lúc ấy Ngọc Đường thấy gì, Triển Chiêu chỉ là đôi khi nghĩ đến, khi tên găm vào da thịt tuyết trắng của hắn, Ngọc Đường hẳn đã trút bỏ hết mọi gánh nặng, bay lên cao như cánh bướm. Lúc ấy, có phải mặt trời chiếu xuyên qua ô cửa hẹp, xoáy tròn thành một vệt sáng xinh đẹp, những hạt bụi nhỏ tán loạn tựa hoa lê? Ngọc Đường bay qua đỉnh đầu các binh sĩ, bay qua gươm lớn giáo dài (*), bay qua khung cửa nhỏ, hắn đứng trên đỉnh tháp, ngắm nhìn non sông hắn đã từng rong ruổi, Hoàng Hà uốn lượn, đó là cố hương; Trường Giang dài dặc, đó là cố hương; Vu Sơn mây mưa, đó là cố hương, Trường An cổ kính, đó là cố hương. Hắn bạch y phiêu phiêu, tóc dài nhẹ múa. Hắn quay đầu nhìn lại, thấy ở phía rất xa, Triển Chiêu đang giục ngựa mà đến, cuốn lên từng dải bụi hồng.

(*) Nguyên văn: Hắc thiết bạch cương: thiết: đao thương; cương: lưỡi dao, ở đây chỉ chung các loại vũ khí

 

“Ngọc Đường! !” Triển Chiêu thét lớn.

 

Y nheo mắt, khẽ cười, hệt như lần đầu gặp gỡ, Triển Chiêu bỗng thấy những gốc cây ven đường đã sớm lui lại phía sau đều nở tràn hoa lê, mồ hôi nóng bỏng trên lưng ngựa hoá thành gió xuân rít siết qua da, nước còn đọng ở khoé mi hoá thành mĩ tửu, những âu lo canh cánh đột nhiên biến mất, hoá thành mây biếc ngợp trời, y tiêu sái mà đi. Dường như không phải y đang tới để đưa tiễn một thiếu niên đã chết, mà là một ca vũ mừng cảnh thái bình nào đó, sau giờ ngọ đạp hoa tìm đến.

 

 Hi sinh vì nước, hi sinh vì nước

 

 Cắp cung lớn, vác gươm dài, Đầu dù lìa xác không rời lòng son

 

 Hi sinh vì nước, hi sinh vì nước

 

Chết rồi thân vẫn không nhoà, Phách hồn rắn rỏi làm ma anh hùng (*)

 

(*) Những câu thơ trích trong bài ‘Quốc thương’ của Khuất Nguyên. Bản dịch của Nguyễn Đức Vân.

 Đoạn điệp “Quốc thương” là do tác giả tự thêm vào để giống một khúc ca.

Các bạn có thể xem thêm ở đây.

Phiên âm:

“Quốc thương, quốc thương

Đái trường kiếm hề hiệp tần cung, thủ thân ly hề tâm bất trừng.

Quốc thương, quốc thương

Thân ký tử hề thần dĩ linh, tử hồn phách hề vi quỷ hùng.”

 

“Ngọc Đường! !” Triển Chiêu lại quát gọi.

 

Hoa và rượu phút chốc đã chẳng thấy đâu, Triển Chiêu tưởng, Ngọc Đường hình như vừa nói, lo lắng cái gì, ta không sao.

 

Y trông về hướng Tây, thấy ráng chiều son đỏ cuộn chảy, áng mây ngưng tụ một sắc tía mĩ lệ đến rung động lòng người, nơi rặng núi xa xa, sương mù dày đặc, tịch dương cô độc từ từ chìm xuống. Y thấy như bóng trắng kia tan thành từng mảnh nhỏ, hoà vào ánh đỏ dập dềnh như sóng biển. Bên tai y vang lên tiếng ngợi ca xa lạ, bỗng nhiên trầm sâu, bỗng nhiên cao vút. Ngựa chạy như điên, y hoảng hốt thấy giữa lớp bụi hồng, những bóng người nối nhau nổi dậy từ lòng đất, giáp trụ rách nát, vẻ mặt nghiêm trang ngả nghiêng tiến bước, bàn tay nắm chắc tàn đao. Lao tới sa trường, lao tới sa trường. Bọn họ lặng yên tiến bước, cắp cung lớn, vác gươm dài, đầu dù lìa xác không rời lòng son. Bao chiến sĩ có ra không lại, chốn sa trường vòi vọi xa xôi (*). Triển Chiêu giục ngựa chạy băng băng về hướng Tây, các binh sĩ cũng lặng yên tiến về hướng Tây. Tịch dương đỏ máu thiêu đốt bầu trời, mặt đất hoá ra một vùng cháy sém.

(*) “Quốc thương” – Khuất Nguyên

Phiên âm: “Đái trường kiếm hề hiệp tần cung, Thủ thân ly hề tâm bất trừng. Xuất bất nhập hề vãng bất phản, Bình nguyên hốt hề lộ siêu viễn.”

 

Y chợt nhiên hiểu được, đây là những quỷ hồn tới đưa tiễn người kia, những quỷ hồn đã bỏ mình nghênh đón vong linh mới.

 

Sống làm người anh kiệt, chết làm ma anh hùng (*)

 

(*) Hai câu thơ trong bài từ ‘Ô Giang’ của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu đời Tống viết về Hạng Vũ.

Phiên âm: “ Sinh đương tác nhân kiệt, Tử diệc vi quỷ hùng.”

Về cuộc đời và sự nghiệp của Hạng Vũ, các bạn có thể xem thêm ở đây.

 

Đám tử sĩ sắc mặt nghiêm trang tiếp tục tiến bước, bọn họ càng lúc càng tụ họp nhiều hơn, hình thành một đoàn quân đông nghịt, Triển Chiêu chỉ trông thấy đầu người chi chít, trên người chiến mã cắm đầy tên gãy, thiếu đi một bên khiên chắn, giữa thinh không rực đỏ màu máu, quân kì tả tơi phấp phới, tựa nước triều tầng tầng lớp lớp, chỉnh tề, lặng yên đi dưới trời chiều.

Nhưng tiếng ca ngợi vẫn vẳng theo, vút cao, dài dặc. Ca tụng chiến thần tắm máu mà sinh, tướng sĩ chiến thắng quay về.

Y thấy bóng hình kia.

 

Giữa trời chiều, hắn đứng trên đỉnh tháp cao, cả người găm đầy tên nhọn, hắn đứng trên đỉnh tháp cao, tay áo phần phật bay tung.

 

Đại quân đông nghịt dừng bước, ngay cả tiếng ca cũng lặng ngưng, đất trời an tĩnh. Tịch dương vĩnh viễn chẳng đổi thay thiêu đốt bầu trời, ánh chiều kéo rải trên mặt đất cháy sém.

 

Tay áo Ngọc Đường phần phật bay theo gió. Triển Chiêu cảm thấy chừng như y cũng chết rồi, giữa thiên địa mông mênh, chỉ còn lại mình y, mở to cặp mắt đỏ vằn, đứng thẳng lưng, sừng sững cùng cuồng phong với chiều tà.

 

Ngọc Đường. Ngọc Đường. Triển Chiêu thét lên trong lòng. Y nhớ lại lần đầu gặp mặt, khoé mi hơi khép không giấu được vẻ đường hoàng, y nhớ lại lúc hắn mỉm cười an nhàn nơi tiểu đình thuỷ tạ, y vẫn nhớ trường kiếm của hắn múa như hoa rụng bời bời, y vẫn nhớ hắn cười ranh mãnh, nói: “Cũng không biết cô nương nhà ai xúi quẩy, đời đời kiếp kiếp bị trói buộc với mèo ngốc nhà ngươi.” Ngọc Đường còn niên thiếu, niên thiếu, chiến thần xưa cũ đứng ở đỉnh tháp kia, kẻ được các vong linh thành kính nghênh đón kia, là ai, là ai?

 

Tiếng ca tụng lại vang vẳng, về đi thôi, về đi thôi. (*)

 (*) Nguyên văn: “Quy khứ lai hề”, tên một bài từ của Đào Uyên Minh.

 

Triển Chiêu chợt nhiên hiểu rõ, y không giữ được Ngọc Đường. Thiếu niên hoa mĩ Bạch Ngọc Đường, phải đi.

 

Tịch dương từ từ chìm xuống, sắc đỏ rực rỡ mỗi lúc lại thêm kinh rợn, như một mồi lửa từ thượng cổ, áp lực ngàn năm, chỉ chờ bùng nổ trong nháy mắt.

 

Thiêu đốt, thiêu đốt. Bắt đầu từ chân tháp, lưỡi lửa liếm lên từng chút, từng chút, như thể đoá sen có tám vạn cánh, từ từ nở rộ, uyển chuyển nhảy múa. Dáng hình Bạch Ngọc Đường vẫn đứng trên đỉnh tháp, cao ngạo, không hề sợ hãi.

 

Đốt, đốt. Tội ác tày trời ở Trùng Tiêu Lâu bị đốt.

 

Từ Khánh chạy đến bên làm Triển Chiêu bừng tỉnh, thấy Triển Chiêu, hắn kinh ngạc một chút, sau đó liền đỏ mắt kéo Triển Chiêu chạy đi, vừa chạy vừa quát: “Chúng ta đã đốt minh thư kia, chúng ta đã đốt toà lầu kia, Triển huynh đệ, ngươi xem, ngươi xem, Ngũ đệ sẽ mừng biết bao nhiêu, vui biết bao nhiêu.” Giọng hắn khàn khàn tựa một lưỡi đao rỉ, xoèn xoẹt dội vang. Triển Chiêu ngơ ngẩn để hắn kéo mình lao đi như điên dại, nói: “Ngọc Đường, hắn vẫn còn trên đỉnh tháp.” Tiếng đao rỉ xoèn xoẹt lại vang lên từ cuống họng Từ Khánh, cuối cùng, hắn quay đầu, hai mắt đỏ như máu, hắn nói với Triển Chiêu: “Chúng ta, đã đoạt đệ ấy ra đây rồi.”

 

Vậy thì bóng dáng kia là ai? Bóng dáng thiếu niên nhẹ nhàng kia là ai thế? Triển Chiêu ngoảnh nhìn phía Tây, chẳng còn thấy những vong linh đông nghịt ùn ùn kéo đến, chẳng còn thấy tà dương nhuốm đỏ trời chiều, chỉ nhìn thấy ánh lửa rừng rực sáng ngời, điên cuồng nhảy múa, đỏ rực, đỏ rực, chiếu rọi nền trời đen kịt. Tro bụi cùng tàn lửa rơi như mưa, Triển Chiêu ngẩng đầu, y thấy đó là cánh hoa lê cháy đỏ, là khúc ca đưa tiễn giữa trời đêm, là những ánh sao nhỏ rụng xuống, xoay tròn, xoay tròn. Rõ ràng y thấy bóng dáng thiếu niên vẫn ở đó, trong ngọn lửa. Y cảm thấy trán mình chợt lạnh, một giọt nước mắt đọng trên vầng trán. Triển Chiêu nghĩ, đó là nước mắt của chiến thần, hắn rồi sẽ rời đi. Nước mắt hắn lạnh như băng, lại làm tay y bỏng rát, y ngửi thấy mùi da thịt cháy.

 

Y nghĩ, Ngọc Đường, ngươi quả nhiên oanh oanh liệt liệt.

 

***

“Ngọc Đường huynh ấy, quả nhiên oanh oanh liệt liệt.” Nguyệt Hoa nói. Nàng cuốn gọn kim chỉ trong tay, bưng giỏ may bằng tre đan, chậm rãi đi vào nhà, Triển Chiêu nhìn bóng nàng, nàng đã chẳng còn thướt tha, cũng không còn xinh đẹp, nhưng nàng vẫn an tĩnh mà ôn hoà như trước, khi đăm đăm nhìn y, nàng tựa như một phiến trăng ngần. Triển Chiêu rốt cuộc hiểu được, ánh trăng, ánh trăng, đó là ngày y không bao giờ quên được, đêm đó, thiếu hiệp ngông cuồng khiêu chiến mười hai cao thủ, ánh trăng như nước chảy dọc lưỡi kiếm, hoa lê rụng tơi bời. Dầu bị trói buộc tay chân, y vẫn muốn vỗ cánh bay cao, như Ngọc Đường, niên thiếu không hiểu chuyện, niên thiếu không sợ hãi.

 

Khi ấy bọn họ chậm rãi ngâm: Một thoáng Kinh Hồng, duyên định tam sinh. Nét cười của Ngọc Đường vẫn thế, tiếng ca còn ngân nga văng vẳng bên tai, tựa hồ Ngọc Đường đang đứng ở gốc lê phía sau y, bạch y thắng tuyết, phong hoa tuyệt đại. Như hoa trong gương, như trăng trong nước (*), y thậm chí không dám quay đầu.

 

(*) Nguyên văn: Kính hoa thuỷ nguyệt, hoa trong gương, trăng trong nước, chỉ cảnh tượng huyền ảo, diệu kì.

 

Một thoáng Kinh Hồng chính là một cơn mê ngày cũ, duyên định tam sinh chính là chí lớn tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nguyệt Hoa là thê tử y, dạy y tìm rõ căn nguyên sự vật (*). Nối rễ liền cành (**), chôn lấp hết ngông cuồng, từ đây vì thiên địa lập tâm, vì nhân dân lập mệnh, thi thố hết tài năng, cho muôn đời thái bình. Vì thế đã bao nhiêu năm rồi, y chưa múa lộng thanh kiếm trong tay?

 

(*) Nguyên văn: Cách vật nhi trí tri. Một quan niệm của Nho giáo, được làm rõ trong sách “Đại học” của Tăng Tử. Muốn làm cho đất nước yên ổn thì phải đưa gia đình vào quy củ. Muốn đưa gia đình vào quy củ thì trước tiên phải tu dưỡng bản thân mình.  Muốn tu dưỡng bản thân thì trước tiên phải làm cho ngay thẳng tấm lòng mình. Muốn làm cho lòng mình ngay thẳng thì phải thành thực trong suy nghĩ. Muốn thành thực trong suy nghĩ thì trước tiên phải hiểu biết một cách tường tận. Sự hiểu biết tường tận nằm ở chỗ tìm hiểu căn nguyên sự vật.

Đây là trật tự thông thường của cuộc đời, và cũng là con đường hoạn lộ.

 (**) Nối rễ liền cành: Mình dịch thoát cụm “Kết liễu liên lý”, ý chỉ tình nghĩa vợ chồng sâu đậm.

 

*** 

Trước đêm Triển Chiêu kết hôn, Ngọc Đường kéo y lên nóc nhà uống rượu cùng hắn. Lên cao mà nhìn, dưới chân bọn họ là mênh mang hoa lau lay động, trên đỉnh đầu là vằng vặc trăng cao. Gió mát thổi nhẹ, sóng nước không gợn. Vạn khoảnh sông lăn tăn ánh bạc, vô biên vô hạn chảy trôi. Góc áo cả hai ào ào phiêu động, tựa như muốn thuận gió mà về, không biết sẽ dừng ở nơi đâu; lại bỗng nhiên muốn mọc cánh bay lên cõi trời ngao du cho thoả chí, ôm lấy vừng trăng tỏ mà sống mãi ở đời. (*)

 

(*) Đoạn này tác giả lấy ý từ ‘Tiền Xích Bích phú’ của Tô Đông Pha. Nếu hứng thú với bài phú này, có thể xem thêm ở đây.

 

“Ngươi không được uống, ngươi xem ta uống là đủ rồi.” Ánh nước nối tiếp đến tận trời, Ngọc Đường bạch y thắng tuyết, đồng tử đen sâu, nháy mắt nói, “Ngày mai là ngày đại hỉ, phải thật khoan khoan khoái khoái, mừng mừng rõ rỡ, đừng biến thành một con mèo say, một con mèo ngốc.”

 

Triển Chiêu cười, có chút chua cay, y hạ mi mắt, nói: “Đêm nay đừng uống. Sau này hãy còn nhiều dịp cùng nhau uống mà.”

 

Ngọc Đường cười nhạt, dùng sức nắm lấy vai y, nói: “Trọng trách mèo con ngươi gánh vác về sau còn nhiều, nhiều lắm, không cầm kiếm, so với cầm kiếm lại càng mệt mỏi. Vậy nên Bạch Ngũ gia ta mới thích giang hồ, bảo ta sống như ngươi, ta thà chết.”

 

Triển Chiêu cau mày nói: “Đừng nói gở.”

 

Ngọc Đường cười hì hì, không nói. Gió nhẹ thổi bay những sợi tóc của Ngọc Đường, như có như không lướt qua hai gò má Triển Chiêu, như chú cá bé xíu, khiếp đảm đến gần, lại vội vàng né xa. Trên mặt sông, từng đốm từng đốm lửa chài lập loè, lập loè. Im lặng hồi lâu, Ngọc Đường bất chợt nhẹ giọng nói: “Ngày mai ta không thể uống rượu mừng của ngươi. Thật đáng tiếc.”

 

“Ngươi định đi đâu?” Triển Chiêu hỏi, giọng nói mang theo một chút bất mãn khó nhận ra, “Chẳng lẽ không ở lại được thêm một ngày?”

 

“Nếu nói cho ngươi biết ta muốn đi đâu, e rằng đi không nổi.” Ngọc Đường tươi cười nói, khoé miệng hé ra nét ranh mãnh và dứt khoát mà Triển Chiêu không hiểu thấu.

 

Triển Chiêu thở dài, tới tận bây giờ, y vẫn khó đoán được tâm tính con chuột nhỏ ranh ma cổ quái này, hắn đã muốn thì nhất định phải làm, không đạt mục đích không từ bỏ, Triển Chiêu cũng chỉ có thể chiều theo hắn. “Ngươi đi đi. Khi nào trở về chúng ta sẽ cùng nhau say tuý luý.” Triển Chiêu nói.

 

Sóng mắt Ngọc Đường hơi chớp động, như có gì đó rơi vào, hắn cúi đầu chớp chớp hai cái, khi mở ra, ánh mắt hắn trong suốt, lấp lánh, như vương đầy một trời sao vỡ. Hắn cười nói: “Sau này cũng thế thôi. Triển đại nhân nếu không cầm kiếm, làm sao say sưa cho được. Chuyện về sau cần mưu lược, cần nhiều, nhiều lắm.”

 

Tâm Triển Chiêu thoáng run rẩy, y cười nói: “Ngươi đang đổi cách chế nhạo ta?   Lúc ấy hoàng thượng hạ chỉ thăng chức cho ta, ngươi cũng đâu phản đối.”

 

Ngọc Đường khinh thường bĩu môi: “Ta phản đối thì ngươi sẽ nghe sao? Ta thấy chức vị kia ngươi cầu còn không được, vui mừng chẳng hết nữa là.”

 

Triển Chiêu cúi đầu, từ khi thánh thượng ban hôn, lệnh y làm quan tới giờ, Ngọc Đường vẫn chưa nói điều gì. Triển Chiêu đã nghĩ hắn sẽ đoạn tuyệt với y, lấy mệnh mà cược, kết quả vẫn là y quá lo xa —- ngày tựa hồ vẫn bình thản trôi qua, hắn vẫn là con chuột kiêu ngạo, ồn ào, không được tự nhiên. Nếu Ngọc Đường không nói, y cũng sẽ không đề cập đến dù chỉ một chữ, hệt như đó là một vết sẹo, chỉ cần không đụng tới, sẽ dần dần quên đi. Nghe thấy lời nói vừa rồi của Ngọc Đường, Triển Chiêu mới hiểu, vết sẹo ấy vẫn chưa tan biến, chỉ cần nó tồn tại, cuối cùng vẫn phải đối mặt. Y ảm đạm nói: “Quả nhiên ngươi giận ta vì việc đó sao?”

 

Ngọc Đường cười rộ, nói: “Cho đến lúc này, ta vẫn không sao hiểu nổi quyết định của con mèo chết nhà ngươi, có điều, cuối cùng, chúng vẫn còn có chút đạo lí. Bây giờ đương nhiên ta rất giận, song ta lại nghĩ, ngươi chẳng phải hạng tham quyền. Hẳn là ngươi có lí do.”

 

Triển Chiêu chấn động, y nghĩ, hắn tin ta, hắn tin ta! Y buông kiếm, làm quan, nhận không biết bao nhiêu lời chửi rủa của đám nhân sĩ giang hồ, mà con chuột kia, con chuột kia lại tin y, lại có thể tin y! Ai nói hắn không phải tri kỉ, không phải tri kỉ làm sao hiểu được? Đúng thế! Đúng thế!

 

Ngọc Đường dường như không rõ tâm tình xao độngcủa Triển Chiêu, hắn dừng một chút, nhẹ nhàng nói: “Huống hồ, không buông kiếm thì sao chứ, bất công trong thiên hạ, một thanh kiếm làm sao san bằng?”

 

Thảng khắc, tâm trí Triển Chiêu trống rỗng, bỗng như có vạn mã quay về, tê ngưu rẽ biển mà đi, như thể doanh trại địch quân bị tầng tầng công phá, như thể chính tay y giết thủ lĩnh quân thù, y mừng rỡ, y điên cuồng. Ngọc Đường, thế nhưng hắn hiểu, thế nhưng hắn hiểu y! Tri kỉ, tri kỉ, đời người có một tri kỉ, chết cũng ngại gì? Chết cũng ngại gì! Y bắt lấy bả vai Ngọc Đường, ngơ ngẩn nhìn vào mắt hắn. Y thấy con ngươi Ngọc Đường loé ra ánh sáng chói rực, tựa lông đuôi phượng hoàng, ngời ngợi, long lanh. Y lặp đi lặp lại: “Ngọc Đường, Ngọc Đường, Ngọc Đường.” Y không biết mắt mình đã nhoè đi, y thậm chí không nghĩ tới, y đã từng hờ hững với thiệt hơn, tao nhã lễ độ đến nhường nào.

 

“Chỉ là… Ta không rõ…” Ngọc Đường cũng không bởi chút thất thố của Triển Chiêu mà giật mình, ánh mắt hắn lơ lửng trôi về nơi nào đó rất xa, rất xa, hắn thì thào nói: “Ta không rõ…Không dùng kiếm, ta sẽ dùng cái gì…Sống cuộc sống như ngươi, ta thà chết…”

 

Triển Chiêu rớt xuống một giọt nước mắt, giọt trên vầng trán Ngọc Đường. Triển Chiêu khẽ cười, Ngọc Đường cuối cùng đã không còn là đứa trẻ, Ngọc Đường cuối cùng đã trường thành. Lòng y lại nổi lên một vệt bi thương, Ngọc Đường, hắn sẽ đối mặt với hiện thực thế nào đây —- thiên hạ loạn lạc, mưa máu gió tanh. Y lay lay đôi vai Ngọc Đường, gọi hắn: “Ngọc Đường, Ngọc Đường, đêm nay chúng ta không say không về, được chứ?”

 

Ngọc Đường lấy lại tinh thần, hắn cũng cười, nói: “Không được, đêm nay mình ta uống, ngươi chỉ nhìn thôi.”

 

“Việc của tân lang, ngươi đừng lo lắng, chỉ cần đêm nay hai ta tận hứng, Triển Chiêu không muốn gì hơn nữa.” Triển Chiêu nhìn sâu vào mắt hắn, nói.

 

Ngọc Đường khẽ mỉm cười, hệt lần đầu gặp mặt, một đêm gió xuân nhẹ thổi, ngàn đoá vạn đoá hoa lê rộ nở, một vừng trăng vành vạnh toả rạng trên đầu. Ngọc Đường bạch y thắng tuyết, dường như đang sáng lên, sáng tới mức Triển Chiêu không thể nhìn thẳng. “Thật khó chối từ.” Ngọc Đường chậm rãi nói, “Về sau Triển đại tẩu nên mắng ta làm hư phu quân nhà nàng.” Lúc Ngọc Đường nói lời này, khoé miệng cong lên một độ cung xinh đẹp, tựa hồ có vô số cánh bướm nhẹ nhàng đậu lại bên môi, gợi nhắc Triển Chiêu bao nhiêu hồi ức về hắn, chúng ào ạt đạp nguyệt lăng giang mà đến, gợn từng vòng, từng vòng giữa không trung, rực rỡ tới mê hoặc.

 

Ngọc Đường nốc từng ngụm, từng ngụm, Triển Chiêu câu được câu chăng cùng hắn nói chuyện, y mơ hồ nghe thấy tiếng ai ca khúc “Hương thảo mĩ nhân” giữa đêm đen trong suốt, muôn tiếng dịu dàng. Ô thước sàn sạt bay về phía nam, hoa lau trắng tuyết khẽ khàng lay động. Triển Chiêu đột nhiên dấy lên cảm giác thoả mãn vô vàn, y bỗng cảm thấy cứ như vậy tới ngày thiên hoang địa lão cũng không hề gì. Ngọc Đường say, dựa vào đầu gối y, thầm thì: “Ta nhìn thấy ngươi rơi lệ, đã nhỏ xuống nơi này,” hắn vươn tay chỉ trán mình, “Ta mặc kệ lệ này của ngươi chảy vì cái gì, ta cứ coi như nó chảy vì ta.” Hắn khịt mũi, trở mình, lẩm bẩm: “Về sau, bất kể vì cái gì, không cần rơi lệ vì ta nữa.”

 

“Một giọt này, là đủ.”

 

Ngọc Đường nói xong, thanh âm dần dần chìm lấp trong tiếng thở đều đều, hắn nặng nề ngủ. Dưới ánh trăng, dung nhan tựa một đứa trẻ ngây thơ dễ mến.

 

Hắn vẫn là thiếu niên kia, Triển Chiêu cố chấp nghĩ, trong mắt y, Ngọc Đường vĩnh viễn là thiếu niên sắc bén mà kiêu ngạo, y cảm thấy chính mình cũng say, say mất rồi. Bàn tay y xoa nhẹ hai gò má Ngọc Đường, y rì rầm: “Bất luận ngươi nói gì, ta đều ưng thuận.”

Sóng cuộn Trường Giang tầng tầng lớp lớp, rốt cuộc chảy về Đông chẳng trở về.

 

Ngọc Đường chết ở Trùng Tiêu Lâu. Mọi người lúc đầu thường nhắc hắn, lệ rơi ướt mặt, thống khổ, đau thương. Cho đến khi ngũ thử hoá thành một câu chuyện trong truyền thuyết, tên hắn, cũng trở nên xa lạ. Quá nhiều người chết, quá nhiều, đau xót dần dần bị lãng quên.

 

Đối với người còn sống, quên đi thực dễ dàng. Giữa đất trời, vạn vật nơi lữ quán, còn rơi lại bao nhiêu tấm thân hồng nhan chết héo; theo tháng năm, trăm vạn khách qua đường, đã chứng kiến bao nhiêu yêu hận tình thù biến đổi.

 

Ngọc Đường, Ngọc Đường, hắn thấm khắp bụi trần, cuộn mình ở ngõ ngách sâu tối nhất, hắn nhẹ giọng cười nói: “Ta đang đợi một người bạn tốt. Y  đến rồi, ngươi sẽ biết ngay thôi.”

 

Triển Chiêu cả kinh, tỉnh lại từ cơn mơ màng, già rồi, già thật rồi, dù cho đang ngồi, cũng sẽ bất tri bất giác mà ngủ. Gần đây bệnh càng nặng, đứng, cũng hỗn loạn, những chuyện cũ xưa, cứ ào ào xô tới, lộn xộn, khiến y không biết đường nào mà lần. Y phát giác, y thật sự đã là ông già tóc trắng xoá. Nguyệt Hoa tựa vào ghế mây dưới tán cây lê, không nói một lời, nàng cũng đã già rồi. Trên khuôn mặt, chỉ có thể mơ hồ thấy qua vẻ tao nhã năm nào, mong manh như một mảnh son rơi vào nước xiết.

 

Cây lê đã già lắm, cuối thu lá cây đổ vàng, mặt trời chiếu xuống, ánh vàng rực rỡ. Quả lê trắng tuyết treo đầy chạc cây. Triển Chiêu tỉ mẩn nhìn ngắm gốc lê, suy ngẫm khi nào thì nên kêu người nhà hái quả, sương xuống thêm vài lần, mùa đông sẽ tới. Chợt nhiên, y thấy một mạt trắng vụt qua sau gốc cây, y hoảng hốt, run rẩy đưa tay dụi mắt, khi nhìn lại, đã chẳng còn gì, chỉ có lá cây xào xạc rụng đầy sân, ánh nắng vương đầy mặt đất, bậc thang, vương trên hai gò má y. Thoáng chốc, y thấy khoé mi nóng bỏng, chóp mũi cay cay. Y run run há miệng, vài âm tiết hỗn độn nghẹn ứ nơi cuống họng, không bật ra được lời nào. Y lấy tay che mặt, chậm chạp ngồi xuống, không kìm được mà nghĩ: “Ngươi đã đến rồi ư? Ngươi đã đến rồi ư?”

 

Sáu mươi năm trước ở nơi này, Triển Chiêu hai mươi sáu tuổi gặp được Nguyệt Hoa, nàng an tĩnh như một mảnh trăng ngần, y nghĩ tới Ngọc Đường tóc trắng xoá, không hiểu vì sao y lại khóc, lệ vương ướt mặt. Sáu mươi năm sau, Ngọc Đường phong độ nhẹ nhàng trở lại đây, tới xem lão già Triển Chiêu không tự giữ nổi mình hay sao?

 

Những trang sách chép chuyện xưa phủ bụi thời gian, nháy mắt bị gió thổi tứ tán, tựa mưa bay đầy trời. Từ sau khi lập gia đình, Triển Chiêu đã không còn mơ thấy hoa lê và ánh kiếm, từ sau lúc Ngọc Đường rời bỏ, dòng lệ đã bị y giấu kín, đột ngột dâng tràn. Từng mảnh nhỏ đều rõ ràng trước mắt. Rõ ràng sáu mươi năm cách vật trí tri, tu thân tề gia, trị quốc bình thiên hạ, sáu mươi năm thấp thỏm dè dặt, cúc cung tận tuỵ, sau đó ra đi, lại giống như chỉ thoáng trong chớp mắt. Nhân sinh như mộng, nhân sinh như mộng. Y thở dài, hạt lệ già nua chảy dài, không cách nào nén nổi.

 

Ngày ấy bọn họ là hai thiếu niên, chí khí ngút trời, khí nuốt núi sông. Hắn đường hoàng, y ẩn nhẫn; hắn sắc bén, y ôn nhuận; hắn đôi mắt như điện, y vẻ cười tựa ngọc. Hắn theo đuổi chí hướng của hắn, y đuổi bắt giấc mộng của y, bọn họ đi ngược đường, nhưng chưa bao giờ bất hoà. Bọn họ một người hướng Đông, một người hướng Tây, cuối cùng sẽ gặp nhau tại một điểm. Ngọc Đường, Ngọc Đường, Ngọc Đường hai mươi ba tuổi vĩnh viễn không già đi, Triển Chiêu như thấy hắn thản nhiên mỉm cười giữa tiết xuân se lạnh, cần cổ trắng mướt rắn rỏi như chiếc kén tằm, con bướm xoè cánh, xoay tròn, hé ra một độ cung xinh đẹp. Lần đầu tiên gặp mặt, Ngọc Đường cũng nhẹ nhàng múa kiếm. Y tưởng, cảnh tượng sáu mươi năm trước y nhìn thấy, có lẽ là tuổi già của chính y, bởi Ngọc Đường sẽ không bao giờ già đi, không bao giờ nữa. Y bèn gắng sức múa theo bước chân Ngọc Đường, tay áo vải lam thô sơ hãy còn phiêu động, tựa như cánh bướm, cần cổ gầy xơ xác cũng rung lên, làn da nhũn nhão tựa tầng tầng hoa tuyết. Triển Chiêu già nua run rẩy múa dưới gốc lê, động tác thô vụng mà xấu xí, trang sách chép chuyện xưa như mưa bay đầy trời, đôi hài mới đóng cọ sàn sạt trên mặt đất, trừ tiếng động đó ra, chỉ còn tiếng lá cây xào xạc cộng hưởng, ánh mặt trời ấm nóng chiếu rọi, chim chóc đập cánh lướt qua đỉnh đầu, Ngọc Đường hai mươi ba tuổi cùng Triển Chiêu tám mươi sáu tuổi, dùng chung một tư thế mà múa, ngay cả cây lê cùng Nguyệt Hoa không nói một lời đều an tĩnh lắng nghe.

 

Một ngày nào đó sáu mươi năm trước, Ngọc Đường hai mươi ba tuổi rớt xuống một giọt nước mắt, trước Trùng Tiêu Lâu rừng rực lửa, đọng trên vầng trán Triển Chiêu, làm tay y bỏng rát. Khi đó Ngọc Đường biết, Triển Chiêu tám mươi sáu tuổi chết đi, hoa lê đã tàn, quả lê đã đậu, trừ lần đó ra, hết thảy đều không thay đổi.

 

Nhân sinh như mộng.

 

Nhân sinh như mộng.

 

Mau mau lập chí lớn thuở thiếu thời.

 

Hoặc đạt tới sự hoàn thiện, xác định rồi thì mới không thay đổi, không thay đổi thì mới an tâm, an tâm rồi thì mới có thể suy nghĩ, sau đó mới có thể đạt được.

 

(*) Nguyên văn: “Hoặc chỉ ư chí thiện, định nhi năng tĩnh, tĩnh nhi năng an, an nhi năng lự, tối hậu hữu đắc.”

Những câu lấy ý trong sách “Đại học”, nói về sự học của các bậc đại nhân – những kẻ đã, đang và sẽ ra làm quan.

 

Hoặc chơi đùa trong nơi ngòi vũng để tự vui, không để cho kẻ có nước trói buộc, sống không cảm thấy vui, chết cũng không cho là tai hoạ.

 

(*) Nguyên văn:” Hoặc du hí ô độc chi trung tự khoái, vô vi hữu quốc giả sở ky, sinh nhi bất duyệt, tử nhi bất họa.”

Những câu lấy ý từ “Nam Hoa kinh” của Trang Tử, nói về tư tưởng Đạo gia ẩn dật mà khoáng đạt, hoà hợp vơi tự nhiên, không tham quyền đoạt lợi. Tư tưởng này gần như đối lập với đạo Khổng ưa thực dụng.

 

Nhưng đến tột cùng, phù sinh như giấc mộng, vui được là bao? (*)

 

(*) Nguyên văn: “Phù sinh như mộng, Vi hoan kỷ hà?” Hai câu thơ trích  từ bài “Xuân dạ yến đào lý viên tự” của Lí Bạch.

 

Triển Chiêu một mình tỉnh lại, đã già đi tự bao giờ. Cả đầu tóc bạc, tà dương phơi dày ngoài song cửa. Rơm vàng mái bếp, còn đang toả đầy hơi khói ấm.

 

[Hoàn.]

 

 

 

2 bình luận về “[ Miêu – Thử ] Đại Chí

  1. Ta vốn là chỉ save chương mới về đt rùi đọc, nên thường hok có comt nhưng mà đọc xong đoản này của cô Lang phải chạy lên comt a
    Ta muốn nói là~ Ta thích đoản này cực kì luôn~ Ta không có định lực để đọc ngược, nhưng mà rất thích ngược a T___T Thiệt sự cảm ơn cô Lang nhiều lắm~

    • *ôm ôm cô Yu* Yêu cô quá đi :3 Từ lúc đọc Qt tôi đã mê mẩn cái đoản này, dù đọc 10 thì chỉ hiểu được 6, 7. Đoản này ngược, mà ngược cái kiểu từ từ, càng đọc càng ngấm TT TT

      Tôi cũng khoái ngược, mà cứ mỗi lần làm ngược là trầy trật gần chết =,= Hình như dân Miêu Thử toàn M không :v

      Rồi tới đây tôi sẽ cho cô đọc toàn truyện ngược, đủ cấp độ, nhẹ có nặng có, há há, thử thách tinh thần người ta coi chơi =))))))

Bình luận về bài viết này